LocDV Blog

Cảm nhận bản thân sau khi đọc Những kẻ xuất chúng

Nhân việc đọc sách “Những kẻ xuất chúng” của Malcolm Gladwell thì mình sẽ chia sẻ những điều mà mình thấy đúng với những gì đã trải qua sau 10 năm làm việc trong ngành IT.

I. Thế hệ lãnh đạo

Năm 2011 mình tốt nghiệp , và vào làm FPT software Đà Nẵng.Điều đặc biệt là mình nhận thấy là những người nắm vị trí quan trọng và chủ chốt như Bu Lead, Vice Bu Lead , SM, PM phần lớn là những người sinh năm 1982,1983 và tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, đại học Duy Tân. Phân tích thì thấy các anh chị đó  đều có những điểm chung:
– FPT Đà Nẵng thành lập năm 2004, lúc đó các anh chị sinh năm 1982 thì vừa tốt nghiệp, còn các anh chị 1983 thì sẽ đi thực tập tốt nghiệp ở FPT.Thời điểm vàng để tham gia vào 1 tổ chức mới hoàn toàn, và rất nhiều cơ hội để phát triển.Tưởng tượng ban đầu bạn vào công ty chỉ có khoảng 20,30 người , sau vài năm công ty lên 3000 người, thì tất nhiên những người vào công ty đầu tiên sẽ là những người nắm vị trí quan trọng.
– Các anh chị đều là những người giỏi, có khả năng lãnh đạo.Cũng có một số người đi làm FPT thời gian nhưng chuyển qua các công ty khác hoặc giảng dạy đều khá thành công. Hầu hết lúc đó FPT chọn sinh viên thực tập theo điểm số học tập, những người có thành tích cao thì sẽ được nhận thực tập, cũng như làm việc với mức lương cao.

Ngoài những anh chị trên thì:
– Thế hệ sinh năm 1984,85 thì lại không có được may mắn như vậy , chỉ có 1 số người xuất sắc thì mới lên được những vị trí cao hơn.
– Thế hệ sinh năm 1987,1988 vào công ty thì lúc đó bộ máy đã ổn định,công ty lúc đó khoảng 200 người nhưng đã chia thành các business unit và lúc đó thì có nhiều công ty ở Đà Nẵng nên nhiều sự lựa chọn hơn như Gameloft, Enclave, Logigear,…

Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp các bạn rất trẻ, nhưng thành công sớm. Cái này thì phụ thuộc vào tố chất và sự may mắn.(Nằm ngoài cái vấn đề mình đang đề cập)

II. Thời cơ của Kỹ sư cầu nối

Tháng 6/2011 ông Hoàng Nam Tiến thay Nguyễn Thành Nam làm chủ tịch FPT Software, Nhật Bản vừa hứng chịu Đại động đất Tohoku, thị trường Nhật ảm đạm phải đến đầu năm 2012 thì mới dần khôi phục. Cùng lúc đó thì mâu thuẫn Trung-Nhật nên nước Nhật phải tìm thị trường outsource mới China+1.

Với kế hoạch đào tạo và đưa người qua Nhật, Fsoft đẩy mạnh khóa đào tạo Kĩ sư cầu nối nội bộ từ năm 2012 (mặc dù trước đó có đào tạo nhưng không hiệu quả), và sau khi đào tạo thì tạo điều kiện tối đa để mọi người qua Nhật làm việc.

Mỗi bộ phận được cử 2,3 thành viên được chọn lọc để tham gia khóa đào tạo tập trung BrSE tại Sài Gòn, bộ phận chịu chi phí, học viên sẽ được học miễn phí,trả lương thưởng đầy đủ. Khóa học tập trung chỉ kéo dài đến năm 2014 thì chuyển qua đạo tạo tại mỗi chi nhánh 3 miền.

Vậy thì ai là đối tượng được đi học khóa đào tạo tập trung và miễn phí (sau khi học thì cam kết làm với Fsoft 3 năm).

– Đó là chính là những người thế hệ 85 trở về sau đến 92.
-Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc của tất cả các trường BKĐN, Duy Tân, Cao Đẳng Việt Hàn, Softech, Đại học Phạm Văn Đồng, Khoa học Huế,….
-Những bạn tốt nghiệp đại học FPT, hoặc học trường khác đã học tiếng Nhật trình độ N5,N4,N3

Chỉ cần sai thời điểm vài năm thì phải tham gia khóa 10K(mở vào năm 2016, đào tạo ở Nhật hoàn toàn), sẽ phải tốn thêm tiền để đi học nhưng bù lại có thêm nhiều trải nghiệm ở Nhật. Nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc, tiếng Nhật bập bõm thì tìm kiếm việc làm cũng khá vất vả.
Mình cũng rất may mắn khi gia nhập Fsoft đúng lúc để tham gia khóa kĩ sư cầu nối nội bộ và được tạo điều kiện để qua Nhật

III. Tương lai như thế nào ?

Sau hơn 6 năm qua Nhật thì số lượng người Việt, cũng như BrSE  người Việt ở Nhật tăng nhanh .Khi đơn giá của Việt Nam tăng từ 20-30,40 man thì Nhật cũng có kế hoạch VN+1  mở rộng thị trường qua những nước còn kém phát triển hơn như  Nepal, Lao, Campuchia và đặc biệt là Mynamar.

Các công ty Việt Nam làm outsourcing cho thị trường Nhật thì mọc như nấm sau mưa, vị thế dẫn đầu vẫn là FPT, Reikei, CMC…với số lượng nhân viên ở Nhật 2,3000 người, và vẫn đang tiếp tục phát triển.

Cùng với dòng chảy của xã hội và nhu cầu việc làm thì ngành CNTT lại tiếp tục lên ngôi, và luôn giữ TOP trong khối ngành có điểm đầu vào cao. Và nhu cầu học tiếng Nhật rất nhiều nên các trung tâm du học, dạy tiếng cũng có cơ hội phát triển.

Thế giới đang thay đổi rất nhanh nên biết đâu vài năm nữa VN  sẽ làm outsourcing cho thị trường Trung Quốc hoặc AI, low-code và các công nghệ mới sẽ chiếm ưu thế. Lúc đó thì nhân lực Việt Nam cần phải thay đổi nhiều hơn nữa để đáp ứng với nhu cầu thị trường.Và trong sự thay đổi đó biết đâu sẽ có những thế hệ mới được chọn là “Những kẻ xuất chúng”.

(Visited 244 times, 1 visits today)