Văn ông nội : Câu chuyện Làng tôi
La Thọ 3/1988 (ông nội viết bài này khi mình chưa sinh ra)
Dương Đức Hiền
Không biết cái tên La Thọ có từ lúc nào nhưng mãi về sau và cho đến tận bây giờ mọi người vẫn gọi là làng La Thọ.
Những vị tiền hiền các tộc trước khi vào sinh cơ lập nghiệp ở xứ Quảng Nam Thừa Tuyên, sau đổi ra là Quảng Nam trấn, rồi Quảng Nam tỉnh, nguồn gốc đều là người ở đàng ngoài (từ Nghệ An trở ra)
Giở gia phả của các tộc để tra cứu thì có người ở Nghệ An, có người ở Thanh Hóa, có người ở tận Hải Dương, Nam Định…
Các cụ vào đây do các lẽ vì ở ngoài đó khí hậu thời tiết bất hòa, nắng hạn, rét, bão lụt, lở đê, làm lụng vất vã nhưng không đủ ăn, cũng có người phạm tội với triều đình, buộc phải phát viễn lưu đày, có người lang bạc kỳ hồ trộm cướp, đạo tặc nên bỏ quê ra đi. Hầu hết các cụ vào đây đều đi một mình, hoặc dẫn một người con đã trưởng thành còn cụ bà và các con nhỏ đều ở lại quê hương, vì đến vùng đất mới chỉ cần người khỏe mạnh để khai sơn phá thạch, chứ dẫn cả bầy đoàn thê tử cùng đi lấy gì để nuôi sống trước mắt – “vạn sự khởi đầu nan”.
Các cụ đầu tiên vào đây tính đến nay đã đến đời thứ 15 – 17, cứ tính khoảng 20 năm một thế hệ thì ở làng tôi từ đó đến bây giờ khoảng 350 năm (nửa đầu thế kỷ XVII), đối chiếu với lịch sử đó là thời kỳ những năm 1650 là thời kỳ Nam Bắc phân tranh, Vua Lê trị vì, ở đàng ngoài Chúa Trịnh cát cứ, ở đàng trong Chúa Nguyễn lộng quyền. Vì những lẻ kể trên nên bây giờ con cháu gọi các cụ là ông Tiền hiền, hầu hết các tộc đều không có bà Tiền hiền.
Vào đây khí hậu thời tiết ít khắc nghiệt hơn ở quê nhà, mùa đông cũng không rét lắm, bão lụt cũng ít hơn, sẳn ruộng đất “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi” nên tha hồ khai phá, định ranh giới, lập làng chia xóm, quần tụ với nhau làm ăn và sinh sôi nẩy nở, hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Đã thành làng rồi người ta lập ra cái đình để thờ Thần Hoàng, Thổ Vỏ, lúc đầu dân còn ít, của còn nghèo nên dựng đình bằng tranh tre, sau một thời gian lại xây bằng ngói, và mọi người đều thấy đình cũ không to không đẹp, không có gỗ danh mộc, người ta lại muốn làm một cái đình khác đẹp hơn, gỗ toàn là danh mộc. Cũng may năm 1936 nhân việc Sở Hỏa xa và Thủy lợi của Pháp đào sông La Thọ, đắp đường xe lửa nên làng được bồi thường thiệt hại một số ruộng đất công, các vị kỳ hào lấy tiền đó làm một cái đình rất khang trang, đẹp đẽ trội hơn đình của các làng khác.
Vì đời sống vật chất người dân luôn gặp nhiều khó khăn, hằng năm mỗi dân đinh phải đóng từ 2,2 đồng đến 3,6 đồng (mệnh giá thời đó 01 đồng mua được 10 ang lúa), riêng thuế thân để lấy tấm cạt vàng mỗi dân đinh phải bán 40 ang lúa mới đủ nộp. Ruộng đất phần màu mở thì cường hào chiếm một phần, một phần làng trịch để cấp lương điền, phạn điền cho người đi lính và các chức việc đương kim. Tộc nào cũng có các tay cường hào đục khoét tận khổ những người bà con cùng tộc họ với mình.
Làng chia làm 04 xóm: phái nhất; phái nhì; phái ba; phái tư, phái nhì và phái ba ở phía Nam sông đào còn phái nhất và phái tư ở phía Bắc sông đào. Mỗi xóm có 01 điếm canh (Miểu xóm) gọi là xích hậu, có cùm, có roi, người dân nào phạm vào quy ước tập tục của làng, tùy theo lỗi lầm làng phân cho xóm phạt bằng căng nọc và đánh bằng roi mây. Ban đêm Hương kiểm phụ trách từng xóm phân phiên dân đinh phải phân phiên canh gác để duy trì trật tự an ninh.
Bộ máy cai trị do chính quyền Phong kiến – Đế quốc đặt ra ở làng gồm có: 01 Lý trưởng và 02 phó Lý; 01 Hương bộ giữ sổ bộ đinh của làng; 01 Hương bổn giữ quỹ; 02 Hương mục chuyên lo kêu xâu, đi xa hoặc làm đường sá; 02 Hương kiểm lo giữ gìn an ninh trật tự phối hợp với Tây đoan khi chúng truy bắt rượu lậu, thuốc lậu. Mỗi xóm có 01 Hương…?. phụ trách công việc của xóm, thông báo việc nộp thuế, trồng đậu (cấy vecxin ngừa bệnh đậu mùa), tiêm phòng bệnh cho trâu bò… ngoài ra mỗi tộc họ có một “Tộc biểu” đại diện cho dân trong họ góp phần vào việc giữ gìn trị an.
Dẫu làm chức to hay nhỏ gì trong làng các ông ấy cũng có quyền có thế để dọa nạt dân đen. Vì cái bả hư danh ở trên nên có người một chữ bẻ đôi cũng không biết (mù chữ) cũng nhảy ra chạy cho được chức hương nọ, xã kia. Năm 1938 nhân việc tên quan Tri phủ Điện Bàn vì phạm tội hủ hóa bị bắt quả tang, cần nhiều tiền chạy tội nên gửi thông tri về cho làng: ai muốn chạy cái chức Chánh, Phó tổng thưởng thì đem nộp cho quan 15 đồng. Nhờ đó có người ngủ dậy sáng ra có ngay chức ông Phó này, ông Chánh nọ bởi vì họ chịu bỏ ra 15 đồng (bằng 150 ang lúa lúc bấy giờ) cho quan để quan báo lên triều đình nêu thành tích hảo để nhận được cái bằng.
Dân làng tôi thường nói làng mình không có đất dụng văn, mà thật vậy trước đây thì không rõ, chứ 100 năm trở lại sau này chỉ độc 01 vị đỗ Tú tài và 5 đến 7 vị học trò thi mới vào trường nhất (thi Hương) đã hỏng. Đại bộ phận là dân nghèo lấy gì để ăn học.
Năm 1943 có 01 người đổ Tú tài Tây, tuy là nguồn gốc ở làng La Thọ nhưng gia đình sinh sống ở chỗ khác cũng được về làng cày ruộng Văn chỉ (ruộng siêu đẳng). May thay ít ông Tú, ông Cử nên 1 mẩu ruộng Văn chỉ các vị cũng chia nhau cày, mặc dầu không có học vị nhưng có bằng Hàn Lâm Đải Chiếu cũng cày được ruộng Văn chỉ. Nếu nhiều ông học vị khá thì phải tính ruộng Văn chỉ nhiều hơn, người dân lại phải mất một chút quyền lợi nữa. Loại Võ quan kể từ Thập phẩm đến Thất Phẩm triều đình được ăn trên ngồi trước, cộng mấy thế hệ lại cũng đến vài chục người, trong số này có kẻ là lính Khố Xanh, lính Kinh…?.. giữ tù, lính Tập v.v. Trong thời gian đi lính được hưởng ruộng lương điền, trước thì được 02 mẩu về sau còn lại 01 mẩu.
Trong quan hệ giữa người với người, chỉ có một số ít tham tư lợi chiếm của công thành của tư, ỷ có chút chữ nghĩa nên đục khoét của dân đen, chẳng kể gì đến bà con ruột thịt, miễn sao cho nhà mình được no đủ, không biết kể chi đến sự cùng cực của người khác, quan niệm sống của họ là ích kỷ hại nhân. Còn lại đại bộ phận người lao động chất phát, sống có tình có nghĩa, giữ thuần phong mỹ tục, một miếng khi đói bằng một đọi khi no, lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng…
Những sinh hoạt vui chơi, tập trung đông người là ngày cúng tế ở đình làng, các cuộc hát Bộ, làm chay…, ngày Tết thì chơi bài Chòi, xóc đĩa…các buổi hát hò khoan gái trai tập hợp nhau lại người hát thì ít, người nghe hát thì nhiều. Đầu tiên đôi Nam Nữ hát chào nhau, hát chúc nhau, hát nhân ngãi giao duyên, hát đố… hình thức văn nghệ nhân dân này thu hút rất nhiều người tham gia, họ có thể thức từ tối đến khuya để nghe hát.
Dân làng tôi cũng thuần phát như mọi người nông dân làng khác, nhưng đến thời Pháp thuộc, mấy làng lân cận cũng kiêng dè, chả là trong làng có một số tay anh chị có năm ba miếng võ, nhân đi xem hát, đi chơi chổ khác thường hay tìm cách gây sự, rồi việc giành ruộng, giành đất có người tự sát (khu đất gọi là đồng Thí Thân cũng ghi dấu sự kiện này). Có người đi làm ăn ở Sài Gòn, vì bất mãn với chủ là mụ đàn bà người Pháp đã dùng dao đâm chết mụ Đầm đó…hợp các sự kiện trên lại thành ra cái tiếng dân La Thọ đi đến đâu ai cũng nể. Nhưng dân làng nào lúc đó cũng sống trong đêm dài nô lệ.
Năm 1930 khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, một vài người hưởng ứng, lần lần thành vết dầu loang, nên làng tôi là một trong những nơi có Chi bộ đầu tiên, nhiều cơ sở nuôi giấu cán bộ bí mật của Đảng, có nhiều tổ chức quần chúng công khai như: Hội ái hữu; Hội tương tế; Phong trào đi dự lễ truy điệu Phan Thanh ở làng Bảo An; các cuộc diễn thuyết ở lò gạch, mốc đá…chứng thực là một địa phương có phong trào cách mạng. Cho nên đôi ba tháng quan trên về khuyến dụ, răn đe, bắt những người tình nghi ra trình diện hòng ngăn chặn ngọn lửa cách mạng bùng lên.
Qua những phong trào của Tiền khởi nghĩa nên năm 1985 nhân dân làng tôi được Nhà nước tặng “Bằng có công với nước”.
Ngày cướp chính quyền năm 1945 (15/8/1945) các làng lân cận không ai đổ máu, riêng làng tôi có 05 anh hy sinh, nhân dân đem về ang táng tại Bia chiến sỹ – là nơi được xác định là Nghĩa trang liệt sỹ đầu tiên của xã (nay không còn nữa vì sau 1975 các liệt sỹ được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Điện Bàn).
Cách mạng thành công, lòng dân hồ hởi, họ biết rằng đã thoát được ách thống trị của Đế quốc – Phong kiến, một số đông gia nhập lực lượng Giải phóng quân, kẻ ở nhà hưởng ứng Tuần lễ vàng; Tuần lễ đồng; hủ gạo cứu đói… sẵn lòng đóng góp sức người, sức của cho Cách mạng.
Cuộc kháng chiến lần thứ nhất (kháng chiến I, kháng chiến chống Pháp) dân làng đã giữ trọn lời thề độc lập, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” để đánh địch, dù bị giết hại dã man, dù nhà cửa, tài sản bị đốt phá nhiều lần người dân vẫn một lòng theo cách mạng. Những kẻ trở giáo theo giặc người làng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kể từ năm 1954 đến khi giải phóng hoàn toàn năm 1975 dân làng tôi vẫn giữ trọn lời thề thủy chung với cách mạng nhất là khi Ngô Đình Diệm thống trị miền Nam, cả làng nhà nào cũng có người bị bố ráp, bị tra tấn, tù tội, đứng đèn, sám hối… Đến khi Mỹ đưa quân vào miền Nam (năm 1965), làng tôi cũng là nơi bị đánh phá ác liệt nhất, điển hình là vụ chúng giết một loạt 49 người trong một trận càng tại nhà Sáu Quỳ vào cuối tháng 1 năm 1967.
Truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã quyện chặt vào lòng người dân làng tôi. Tính sổ ghi lại, qua 02 cuộc kháng chiến số liệt sỹ làng tôi trên 400 người, bằng 01 trung đoàn Bộ đội.
Dân số qua 02 cuộc chiến tranh đã tổn thất một phần nhưng nếu tính từ năm 1936 số dân đinh của làng có 400 người, thì nay đã có hơn 300 hộ gia đình đi làm ăn sinh sống ở nơi khác số có mặt ở làng hiện tại cũng trên 2500 người thật là một sự tăng trưởng rất có hậu.
Hơn 12 năm qua sống trong độc lập tự do và trên bước đường xây dựng CNXH, dân làng tôi vẫn một lòng đi theo Đảng: làm thủy lợi; khai hoang phục hóa; xây dựng lại nơi ăn chốn ở; rồi vào HTX; làm ăn tập thể; xây dựng nếp sống văn minh… đời sống vật chất tinh thần đã được nâng lên rõ rệt. Việc làm được cũng nhiều, việc làm chưa được dân làng bằng lòng cũng không phải ít.
Hỡi những ai còn sống trên mãnh đất gọi là làng La thọ, hoặc đi xa khỏi làng La Thọ hãy ghi xương, khắc cốt mối thù Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Hãy nhớ và biết ơn 400 liệt sỹ và hàng trăm bà con dân làng mình đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành đọc lập tự do. Hãy làm những gì để khỏi xấu hổ với những người đã vĩnh viễn nằm xuống dưới mãnh đất La Thọ yêu thương và oanh liệt này./.